Khái lược Nữu_Hỗ_Lộc_thị

Nguồn gốc tên gọi của thị tộc này chưa được xác định rõ ràng. Sách Bát kỳ Mãn Châu thị tộc tông phổ, quyển 5 chép: "Nữu Hỗ Lộc nguyên là địa danh, người [bộ tộc] nhân đó lấy làm họ". Sách Khâm định Kim sử ngữ giải, quyển 7, cho rằng: "Thị tộc Nữ Hề Liệt thời nhà Kim chính là thị tộc Nữu Hỗ Lộc thời nhà Thanh". Sách này tham khảo các tài liệu từ thời nhà Liêu, có ghi nhận về Nữ Hề Liệt thị (女奚烈氏), có khi được viết là Địch Liệt thị (敌烈氏). Mãi đến thời nhà Minh, tài liệu chữ Hán mới bắt đầu viết thành [Nữu Hỗ Lộc thị]. Ngoài ra, thời Thanh còn có thị tộc Nữu Hách Lặc (tiếng Mãn: ᠨᡳᠣᡥᡝᡵᡝ, Niohere, 鈕赫勒氏), cũng khá đồng âm với Nữ Hề Liệt.

Cũng có thuyết cho rằng, tên của thị tộc này có nguồn gốc từ từ ["niohe"] (tiếng Mãn: ᠨᡳᠣᡥᡝ), trong tiếng Mãn Châu có nghĩa là sói. Thuyết này đặt trên giả thuyết nhiều người thuộc thị tộc này đổi sang họ [Lang; 郎], trong nghĩa chữ Hán cũng có nghĩa là sói[1].

Nữu Hỗ Lộc thị được cho là khởi nguồn từ vùng núi Trường Bạch, thuộc tỉnh Cát Lâm ngày nay, giữa hai con sông Tùng HoaMẫu Đơn. Theo những ghi chép trong gia phả thị tộc, phả hệ được truy về Sách Hòa Tế Ba Nhan (索和济巴颜; Sohoji Bayan), ông tổ 6 đời của Ngạch Diệc Đô, thành viên Nữu Hỗ Lộc thị nổi tiếng đầu tiên được ghi lại trong tài liệu lịch sử đời Thanh[2]. Với sự hỗ trợ đắc lực của Ngạch Diệc Đô và thị tộc Nữu Hỗ Lộc, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lần lượt thống nhất được các bộ tộc Nữ Chân để hình thành nhà nước Hậu Kim. Khi hệ thống Bát Kỳ ra đời, để tưởng thưởng cho lòng trung thành và công lao của Ngạch Diệc Đô, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã xếp Nữu Hỗ Lộc thị thuộc vào Tương Hoàng kỳ, trong nhóm Thượng Tam Kỳ, biến thị tộc này thành một trong những thị tộc có thế lực nhất trong Bát Kỳ. Đến thời cực thịnh nhất của nhà Thanh, hầu như các kỳ trong Bát kỳ đều có các thành viên của Nữu Hỗ Lộc thị giữ những vị trí trọng yếu.

Đầu thế kỷ 19, khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, đặc biệt là kể từ khi thành lập chính quyền Trung Hoa Dân quốc, nhiều người trong thị tộc Nữu Hỗ Lộc đã lấy họ là "Nữu", rút ngắn từ Nữu Hỗ Lộc, đặc biệt là ở vùng Giang Tây[3] và Ngoại Mãn Châu. Nhiều thành viên thị tộc lại cải sang họ "Lang", nghĩa là "sói", dựa theo nghĩa của từ "niohe", trong tiếng Mãn Châu cũng có nghĩa là "sói".[4]